"HÔN NHÂN" TRONG KINH TẠNG

LỄ THÀNH HÔN CỦA
THÁI TỬ SIDDHATTHA VÀ CÔNG CHÚA YASODHARA
Giáo lý của bậc Giác Ngộ tuyên thuyết với mục đích hướng chúng sanh đến sự giải thoát, sự giác ngộ. Tuy vậy, giáo lý Phật Pháp vẫn đặt nền tảng là hướng đến con người và giúp cho họ có được hạnh phúc trong cuộc sống, chính vì vậy mà Phật Giáo trở thành một tôn giáo thực tế và có giá trị bất hủ.
Nếu so sánh số lượng các vị Tu sĩ xuất gia với số lượng người tại gia Cư sĩ thì chúng ta sẽ thấy một sự chênh lệch rất lớn, bởi vì số lượng người cư sĩ chiếm một số lượng rất lớn. Cũng chính thế, trong kho tàng Kinh điển có rất nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề hôn nhân, hạnh phúc gia đình được đề cập đến.

 

Hôn nhân là một chuyện bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên chuyện bình thường ấy tưởng chừng dễ dàng có được nhưng quả thật là không như thế đâu. Không ai có quyền ngăn cấm người yêu nhau và cũng chẳng ai dám cấm họ kết hôn với nhau, Đức Phật cũng không bao giờ cấm các hàng đệ tử Cư sĩ kết hôn với nhau nhưng phải sống với nhau theo các nguyên tắc đạo đức xã hội thì sẽ có được sự hạnh phúc.
Để có được hạnh phúc trong hôn nhân, trong cuộc sống gia đình, thì cả người vợ và người chồng phải yêu thương nhau, phải có những điểm tương đồng với nhau thì như thế mới gọi là vợ chồng xứng đôi vừa lứa, mới gọi là xứng đôi vợ chồng trong tinh thần của Phật Giáo.
Này các gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau .
Đôi vợ chồng, nếu đồng đẳng nhau về đức tin, về giới hạnh, về sự xả tài và đồng đẳng về trí tuệ thì cả hai người sẽ sống hạnh phúc trong cuộc sống gia đình ở hiện tại, và nếu có ước nguyện gặp nhau ở kiếp lai sinh thì vẫn có thể được.
Có rất nhiều việc quan trọng mà người nam và người nữ nên lưu ý trước khi tính đến chuyện hôn nhân, xây dựng một mái ấm gia đình. Việc đầu tiên đó chính là việc lựa chọn người phối ngẫu. Nếu mình lựa chọn được đối tượng thích hợp, có được những điểm tương đồng vừa kể trên thì sẽ có một cuộc sống gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Đức Phật gọi sự phối hợp của hai người là sự phối hợp của vị chư thiên nam và vị chư thiên nữ.
Này các tỷ-kheo, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn?
Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Ðê tiện nam sống chung với thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với thiên nữ.
Và này các tỷ-kheo, thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, này các tỷ-kheo, người chồng là người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân tâm, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Còn người vợ cũng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân tâm, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam chung sống với đê tiện nữ.
Và này các gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng sát sanh... Nhiếc mắng, chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Còn người vợ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham, không có sân tâm, chánh kiến, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình không với tâm vị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Như vậy, này các gia chủ, là đê tiện nam sống chung với thiên nữ.
Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với đê tiện nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sanh... Không có nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Nhưng người vợ là người sát sanh, lấy của không cho... Nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn. Như vậy, này các gia chủ, là thiên nam sống chung với đê tiện nữ.
Và này các gia chủ, thế nào là thiên nam sống chung với thiên nữ? Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sanh... Không nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn; và người vợ cũng là người từ bỏ sát sanh... Không nhiếc mắng chưởi rủa các sa-môn, bà-la-môn.
Này các gia chủ, có bốn loại sống chung này .
Để đến với nhau, sống chung với nhau thì mình phải tìm kiếm "một nửa" của mình sao cho phù hợp. Vì thế, ai cũng tự vẽ cho mình một hình ảnh người phụ nữ lý tưởng, người đàn ông lý tưởng để mình kiếm tìm và chung sống. Vậy thì đâu là thước đó cho những mẫu người lý tưởng đó?

Này các tỷ-kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có sanh con. Ðầy đủ năm đức tánh này, này các tỷ-kheo, một nữ nhân hoàn toàn khả ý đối với người đàn ông.
Này các tỷ-kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân. Thế nào là năm? Có nhan sắc, có tài sản, có giới hạnh, lanh lợi, không biếng nhác, có khả năng sanh con. Này các tỷ-kheo, đầy đủ năm đức tánh này, một người đàn ông hoàn toàn khả ý đối với nữ nhân .
Với năm đức tính đó chính là mẫu người lý tưởng đáng được lựa chọn làm người để mình gửi gắm tình thương và hạnh phúc. Và thật sự, trong cuộc sống, năm yếu tố căn bản này nếu nhưng trong gia đình nào không có được thì chắc rằng gia đình đó sẽ không được hạnh phúc, hoặc là hạnh phúc sẽ không bền lâu.

Ngày nay, chúng ta thấy một hiện trạng rất rõ là xã hội chúng ta xảy ra nhiều tình trạng hôn nhân bị vỡ đổ do tài sản bị thất bại, hoặc là do người bạn đời của mình có xu hướng đi theo một người tình khác, hoặc là do thích ăn xài mà lại lười biếng lao động để tạo ra của cải, và đôi khi lại chính một nguyên nhân khác cũng hơi tế nhị là một trong hai người bị chứng bệnh vô sinh, không thể có khẳng năng sinh con được. Bởi vậy, đời sống gia đình tuy bên ngoài là một túp lều lý tưởng rất lãng mạn nhưng chính những ai ở trong hoàn cảnh đó sẽ biết được những nỗi niềm lo âu ẩn núp đâu đó ở bên trong.
Khi cả đôi nam nữ đã quyết định đến sống với nhau nghĩa là họ đã chấp nhận cuộc sống của mình là một phần của người bạn đời. Họ phải biết tôn trọng người bạn của mình và hai bên cùng nhau nương tựa để xây dựng một mái ấm gia đình. Một trong những điều kiện tiên quyết để gìn giữ gia đình cho được hạnh phúc nữa mà chúng ta sẽ đề cập đến chính là sự ràng buộc với nhau giữa hai bên.
Như được biết, cho dù hằng ngày chúng ta có lên án để đòi hỏi sự bình đẳng nhân quyền, nam nữ bình quyền hay cái chi nữa thì những việc đó cũng chẳng là vấn đề gì cả. Mà việc quan trọng nhất là chúng ta hãy cố gắng hoàn thành và làm tròn những trách nhiệm, bổn phẩn và nghĩa vụ của mình trong chính gia đình của mình. Đó là cách tốt nhất để gìn giữ một gia đình hạnh phúc.
Khi cả hai bên đều tôn trọng nhau, cố gắng làm tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình thì hẳng nhiên mọi sự xung đột trong gia đình sẽ được lắng yên.
Này gia chủ tử, có năm cách, người chồng phải đối xử với vợ như phương tây: kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang với vợ.
Này gia chủ tử, được chồng đối xử như phương tây theo năm cách như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
Đó là năm bổn phận của người chồng đối với vợ và năm bổn phẩn của người vợ đối với chồng được Đức Thế Tôn giảng cho thanh niên Singala được xem như là một sợi dây kết nối hai con người lại với nhau để cùng đem đến lợi ích cho nhau, đem đến hạnh phúc cho nhau. Và chúng ta có thể thấy trong xã hội đã xảy ra nhiều trường hợp người vợ hay người chồng không làm tròn nhiệm vụ của mình nhưng lại bắt buộc và đòi hỏi người bạn đời của mình phải thực hiện những việc đó với mình, thì trường hợp này gia đình không thể nào có hạnh phúc, và đôi khi trường hợp hôn nhân này có thể bị xem là lợi dụng hoặc là ngược đãi nhau.

Và chính vì thế, sự hoàn thành những bổn phận và trách nhiệm đối với nhau là điều thiết yếu để tạo nên một mối quan hệ hôn nhân hòa thuận và hạnh phúc. Đó là điều mà bất cứ đôi vợ chồng nào cũng mong muốn để có được trong cuộc sống hôn nhân gia đình.
Hạnh phúc hôn nhân do hai vợ chồng cùng nhau xây dựng và gìn giữ, vì lẽ đó mà cả hai phải có trách nhiệm với nhau, với chính mình và với người bạn đời mà mình đã tin tưởng và gửi trao. Trong cuộc sống hôn nhân đó, tuy có muôn vàn cạm bẫy và khó khăn nhưng phải biết thương yêu lẫn nhau, tin tưởng lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và phải biết chia sẽ với nhau để cùng nhau khắc phục những sai khuyết trong cuộc sống. Đó là điều cần thiết đối với mọi cặp vợ chồng thiết lập mối quan hệ hôn nhân dựa trên tinh thần Phật giáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Bốn Pháp, Phẩm Nguồn Sanh Phước, Phần Xứng Ðôi (1)
Tăng Chi Bộ Kinh 1, Chương Bốn Pháp, Phẩm Nguồn Sanh Phước, Phần Sống Chung (2).
Tương Ưng Bộ Kinh 4, Chương III - Tương Ưng Nữ Nhân, Phẩm Trung Lược, Phần Khả Ý Và Không Khả Ý (1-2)
Trường Bộ Kinh 2, Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt.

0 comments:

Post a Comment