Vườn Nhà


Trong vườn cây xum xuê,ắt thanh nhàn may mắn
Cây vươn cao mọc thẳng,chân rộng bước công danh
Cây lắm tán nhiều cành,vẹn đôi đường tài lộc
Trước cửa hòe xanh tốt,đã giàu lại càng sang.
Trúc uốn lượn mấy hàng,của nhiều lộc cũng lắm
Trước cửa đào nghiêng bóng,phúc ấm hưởng xuân đời

Tôi Muốn


Tôi muốn mình tìm đến thiên nhiên
Tôi muốn sống như loài hoa hiền
Tôi muốn làm một thứ cỏ cây
Vui trong gió và không ưu phiền

Tôi muốn mọi người biết thương nhau
Không oán ghét không gây hận sầu
Tôi muốn đời hết nghĩa thương đau
Tôi muốn thấy tình yêu ban đầu...

Em có thấy hoa kia mới nở
Trong giây phút nhưng đẹp tuyệt vời
Như hạnh phúc thoáng qua mất rồi
Giờ đâu còn tìm được nét vui...

Tôi muốn thành loài thú đi hoang
Tôi muốn sống như loài chim ngàn
Tôi muốn cười vào những khoe khoang
Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn...
...



















Có những điều đốt mãi chẳng thành tro!

1. Có những điều đốt mãi chẳng thành tro, đó là vàng, thứ vàng thật không sợ lửa! Con người ta nếu sống chân thành, thật thà với chính mình, với người thì cái tâm ấy như vàng, như kim cương nên không sợ chi lửa.

  
Cuộc sống vốn có nhiều lửa. Nào là những cơn sân ngút trời của con người. Nào là những nghi kỵ, ganh ghét, đua chen, đặt điều, tham lam, dối trá… Những thứ lửa ấy thiêu đốt con người, nếu lòng người không vững chãi, tâm người lay động thì sẽ dễ đốt thành tro ngay. Thứ lửa sân, lửa của những nghi kỵ ấy có thể tưới tẩm cho những ngọn lửa sân giận, nghi kỵ… tưởng chừng đã ngủ yên trong tâm một ai đó, nếu người ấy không vững chãi. Và người đó sẽ bị “đồng hóa” kiểu như ai đó nổi sân tát mình một tai và mình cũng nổi sân rồi tát họ một tai mạnh hơn cái mình nhận.
2. Bụt dạy về chữ nhẫn (), với chữ đao ở trên chữ tâm (theo Hán tự) để miêu tả cho sự chịu đựng ngay cả đó là điều đau đớn nhất như là đao kiếm đâm vào tâm can. Chữ nhẫn của đạo Bụt không có nghĩa là “quân tử trả thù mười năm chưa muộn” mà là chịu và đựng (trong đó có chấp nhận và tha thứ). Chấp nhận vì có thể mình đã từng tạo tác những nỗi khổ niềm đau cho ai đó (nhân) thì nay nhận lại (quả), đó là cái lý-lẽ đương nhiên! Tha thứ vì mình có tình thương (họ đang gieo nhân không lành nên chắc sẽ có lúc gặt quả bất thiện) và vì mình hiểu biết (nếu mình không thứ tha, nuôi lớn cơn giận, hận, thù… thì mình sẽ khổ, sẽ tiếp tục rượt đuổi nhau trong sinh tử luân hồi).
 
Đao chém vào tâm mà chịu & đựng được = nhẫn!
Chữ nhẫn của đạo Bụt dạy con người ta sức chịu đựng bởi đó là điều kiện để giúp người ta ngộ ra tự tánh và là sức mạnh đủ để thu phục lòng người. Sức mạnh ấy đôi khi được biểu hiện dưới dạng “im lặng hùng tráng” và có khi là bằng tiếng niệm Bụt trong tư thế chắp tay hình búp sen, ngồi tĩnh tọa trên mặt đất hoặc trên bồ đoàn. Tất cả đều chỉ có một niệm là thương yêu và tha thứ, mong cho người bớt khổ, thấy được nẻo vô sinh… Những giá trị ấy cơ bản và tuyệt nhiên trở thành thứ kim cương trong tâm của những ai có sự thực tập đi vào bản thể.
Mà phải thực tập mới có thể nhận diện sự có mặt của nó, như là phải đốt đèn lên thì mới thấy được sự hiện hữu của nhiều thứ mà nếu chỉ nhìn bằng mắt thường ta chỉ thấy mỗi một màu đen.
Cái thấy của mỗi người là một sự đơn nhất. Xê dịch một chút trong góc nhìn, điểm nhìn, thời điểm… là mình đã thấy khác người, thậm chí khác với chính mình trước đó. Vì sao vậy, vì những cái thấy về hình tướng thì luôn vô thường, bởi bản thân “sở hữu tướng” đã vô thường (giai thị hư vọng) thì làm sao mình thấy không vô thường được? Mình của năm phút trước người ta nhìn khác mình của năm phút sau. Năm phút trước mình có thể cười rất dễ thương nhưng năm phút sau có thể mình đã trở thành người nhăn nhó, khó ưa. Do đó, đánh giá về sự dễ thương hay chưa dễ thương của con người cần phải bình tĩnh, nhìn sâu, nhìn đa chiều.
Ở đây tôi muốn nói đến sự vô thường là một điều hiển nhiên trong vạn vật có tướng, và còn bị chi phối bởi trần cảnh. Sự vô thường cũng là một trong những điều… đốt mãi chẳng thành tro!
3. Còn rất nhiều điều khác nữa, như là với cái thân này, với tên họ này thì mình chính là con của ba mẹ mình. Điều đó là không thể đổi thay và bạn không thể chối từ. Ấy vậy mà có những người cố chối bỏ, “đốt” những điều hiển nhiên đó để rồi trở thành người bất hiếu.
 
Hơi thở, chất liệu của sự sống và bằng an
… Như là đã sinh ra là người (mà không chỉ là người, còn có cả những chúng sinh khác nằm trong lục đạo - sáu nẻo luân hồi) thì phải có sanh-trụ-dị-diệt. Hễ chấp nhận sanh diệt để mà sống tốt, tốt nhứt có thể thì mình sẽ đứng về chiến tuyến thiện lành và ngược lại. Có những người cứ đi tìm kiếm bất tử ở đâu đâu nên mãi hoang phí và mãi khổ đau.
Thở một hơi thở có chất liệu của hiện tại, mỉm cười thật an lạc, đó là phương pháp chế tác năng lượng an lạc, hạnh phúc mà đôi khi ta dửng dưng, thậm chí xem thường nó. Và chúng ta đã rong chơi, đã để cho mình loay hoay mãi với những điều xa xôi đâu đó!
Mạnh Khôi

7 Nhành Lan




TẶNG MỘT VẦNG TRĂNG

Một vị thiền sư nọ cất túp lều tranh trong rừng sâu sống ẩn dật tu luyện không tranh đua với đời. Thiền sư tiếp xúc với cỏ cây nhiều hơn con người cho nên tâm hồn ông rất thanh thản vô vi. Một đêm trăng sáng vằng vặc, ông đi dạo chơi trong núi, giữa khung cảnh thanh tịnh huyền ảo đó, ông đột nhiên khai ngộ ra tự tính bát nhã đã tiềm ẩn từ lâu trong người.

Nhà sư vui mừng rảo bước ra về, không ngờ nơi ông tu hành đang có sự viếng thăm của một kẻ trộm. Tội nghiệp cho tên trộm, hắn không tìm thấy được vật gì quí giá trong túp lều tranh đành thất thểu bước ra thì chạm mặt nhà sư. Thật ra thì nhà sư đã về đến nhà từ lâu nhưng ông ngại sẽ làm cho tên trộm giật mình, vì vậy ông đã nấn ná phía bên ngoài đợi cho tên trộm bước ra, tay ông cầm sẵn chiếc cà sa bạc màu mà ông đã mặc nhiều năm trên người. Tên trộm hơi bỡ ngỡ chưa biết phải làm sao thì nhà sư đã lên tiếng:
- Con lặn lội đường xa đến thăm, ta không nỡ để con ra về tay không. Trời về khuya gió lạnh, con hãy cầm đỡ tấm cà sa này xem đó như một món quà nhỏ của ta tặng.
Nói xong ông khoác chiếc áo cũ lên người tên trộm, con người đáng thương cảm thấy ngỡ ngàng, hắn lầm lũi ra đi mà không nói được một lời.
Nhìn theo kẻ trộm dần dần khuất vào bóng đêm, nhà sư thở dài lẩm bẩm:
- Hỡi kẻ đáng thương, ta ước gì có thể tặng cho con một vầng trăng sáng vằng vặc của đêm nay.

Nhà sư không tặng được vầng trăng cho tên trộm cho nên ông cảm thấy xốn xang. Trong đêm sáng trăng thanh tịnh này, không có gì đẹp và thanh khiết cho bằng ánh trăng. Khi ông muốn mang ánh trăng tặng cho người khác, ngoài cái đẹp của sự vật, còn có một ý nghĩa trong sạch và thanh thoát cho tâm hồn. Từ ngàn xưa, những vị Đại Đức của Thiền Tông thường dùng ánh trăng để tượng trưng cho tự tính của con người, lý do là vầng trăng đêm mang ánh sáng dịu dàng, bình đẳng chiếu sáng khắp nơi. Làm thế nào để tìm cho được một ánh trăng sáng trong tâm hồn thường là mục tiêu của người theo đạo Thiền. Dưới mắt của nhà sư, kẻ trộm kia bị dục vọng làm mờ đôi mắt, cũng như vầng trăng sáng bị mây đen che phủ. Một con người không tìm được hướng đi, không tự chiếu sáng lấy mình, chính là một điều vô cùng bất hạnh.
Sáng hôm sau, khi ánh bình minh đánh thức ông dậy, nhà sư mở mắt ra thì thấy tấm áo cà sa đã được xếp ngay ngắn đặt bên cạnh từ lúc nào. Nhà sư cảm thấy vui mừng hơn bao giờ hết, ông lẩm bẩm nói rằng:
- Cuối cùng thì ta cũng tặng được cho con người đáng thương kia một vầng trăng sáng rồi.

Chắc là bạn không thể ngờ là vầng trăng cũng có thể trở thành một món quà tặng. Điều này kể ra cũng lý thú lắm nhỉ. Trong cuộc sống thực tế của chúng ta, có những sự vật vô hình không thể nào làm quà tặng được. Dĩ nhiên là bạn không thể nào nói với người ăn mày ngoài đường như thế này: "Tôi tặng cho ông một chút từ bi". Chúng ta chỉ có thể dùng số lượng tiền bạc hoặc hiện vật nhiều hay ít để đo lường tấm lòng từ bi đó. Cũng như bạn không thể nào nói với người yêu của bạn rằng: "Anh tặng cho em 100 cái tình yêu", bạn chỉ có thể tặng cho nàng 100 đóa hoa hồng. Cũng từ số lượng hoa hồng, người ta có thể đo lường được mức độ say đắm và tấm lòng trung kiên với người yêu. Tuy rằng lối tính toán và đo lường này không phải lúc nào cũng chính xác. Đôi khi người tặng hoa hồng có thể lại là người thật lòng thương yêu và tình yêu của họ lại còn nồng nàn và chín chắn hơn cả những người tặng hột xoàn cho người đẹp nữa, bạn ạ.

Thế nhưng trên cõi đời này, có nhiều sự việc như tình bạn, tình yêu, chính nghĩa, hạnh phúc, bình an, trí tuệ đều là những thứ vô giá mà chúng ta không thể nào dùng những sự vật hữu hình để đo lường. Đây cũng là một điều làm cho giữa con người và con người có những sự hiểu lầm nhau trên giá trị của những sự việc vô hình trừu tượng. Con người thường dùng những vật hữu hình để diễn đạt những tín hiệu của tâm linh, như là tình yêu thương, lòng hiếu thảo, sự biết ơn chẳng hạn. Thế nhưng trong quá trình để đo lường những sự việc vô hình đó chắc chắn thế nào cũng có những chênh lệch, mà sự chênh lệch này thường khiến cho bạn bè hiểu lầm, tình ruột thịt trở thành thù nghịch, kẻ yêu nhau trở thành nghi kỵ, thù ghét nhau.
Những tình cảm vô hình giá trị đó có một sự tiếp cận với triết lý của Phật Học: "chỉ có thể lãnh hội mà không thể nào truyền đạt". Thí dụ như một cái siết tay thân mật giữa đôi bạn thân, một nụ hôn nồng cháy của đôi tình nhân, một nụ cười âu yếm giữa vợ và chồng, một tiếng kêu mẹ thân yêu thắm thiết, hoặc một lời cầu chúc đẹp đều là những món quà tặng cho nhau quí giá nhất mà không có một khối lượng tiền của nào có thể mua được(hay một sự quan tâm đặt biệt  xuất phát từ đáy lòng cũg là một món quà quý giá hơn cả mọi hiện vật )
Trên thế gian không có một phương thức cố định nào có thể huấn luyện cho con người biểu lộ những tình cảm vô hình đó. Thế nhưng theo tôi nghĩ, phương pháp duy nhất để huấn luyện cho bản ngã có thể diễn đạt được những tình cảm này là chúng ta hãy quay lại phán xét về chính bản thân, tìm nhiều phương thức để làm giàu nhân cách, khiến cho bản thân chúng ta trở thành thuần thiện, nhiệt tình, vô tư thì tự nhiên những tình cảm vô hình bạn dành cho kẻ khác sẽ biểu hiện một cách rõ ràng trên sắc diện.Khi sự chân thành của bạn((Lòng từ bi)) có thể lộ ra trên sắc diện thì lúc đó bạn có thể tặng một vầng trăng cho kẻ khác mà chắc chắn đối phương sẽ dễ dàng nhận được món quà quí giá này.
Nếu lúc nào chúng ta cũng giữ được tấm lòng trong sạch, tính tình khoan dung, tự tâm yên tĩnh, lục căn thanh tịnh thì đừng nói một ánh trăng mà nhiều ánh trăng cũng có thể làm quà tặng cho kẻ khác được. ánh trăng không chỉ đơn thuần dùng để tặng cho nhau mà còn có thể chiếu sáng lẫn nhau, soi đường cho nhau, hồi hướng cho nhau(rất đúng)
Vì vậy khi nhà sư nói với tên trộm: "Ước gì ta có thể tặng cho con một vầng trăng sáng", đó chính là tiếng nói của một tấm lòng từ bi, trong sạch. Tấm lòng từ bi đã khiến cho kẻ trộm cảm nhận được và xấu hổ vì hành động bất lương. Hắn đã ngộ đạo và quay lại con đường phúc thiện tràn đầy ánh sáng.

One Life - Amazing Animation



Trước 20 tuổi là Xuân, 20-40 là Hạ, 40-60 là Thu, sau 60 là Đông.Muốn sống qua mùa Đông, thì 3 mùa trước phải chuẩn bị sẵn; mà có mấy ai biết cách sống qua tuổi già?Thanh xuân trẻ khỏe hưởng phước,quên sạch chuyện tuổi bóng xế.Lúc tuổi già xộc tới,dẫu hối cũng không kịp; không biết tu phước, tích đức lúc trẻ khỏe.Nên tuổi nhi đồng là thiên đường,tuổi trung niên là chiến trường,tuổi già là phần mộ”. Bi ai quá đỗi!

Trong thế gian này, chúng sanh thọ mạng rất ngắn; người bảy mươi tuổi xưa nay hiếm hoi, từ sáu mươi tuổi trở lên đã thuộc lớp tuổi vãn niên rồi!

Tôi nhớ lúc cầu học tại Đài Trung, thầy Lý dạy chúng tôi Cổ Văn, giảng đến... bài Thu Thanh Phú (bài phú Tiếng Thu), cảm thán bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông biến hóa, đời người cũng có bốn thời: Trước năm hai mươi tuổi là mùa Xuân, hai mươi đến bốn mươi là mùa Hạ của đời người, từ bốn mươi đến sáu mươi là mùa Thu của đời người, sáu mươi tuổi trở đi là mùa Đông. Thầy giảng thiên văn chương ấy, cảm khái vô hạn. Người thế gian muốn sống qua được mùa Đông lạnh lẽo, thì ba mùa Xuân, Hạ, Thu phải chuẩn bị sẵn; nhưng có mấy ai biết cách sống qua tuổi già? Người thế gian mê hoặc điên đảo nhiều, thanh xuân trẻ khỏe hưởng phước, quên sạch chuyện tuổi bóng xế. Lúc tuổi già xộc tới, dẫu hối cũng không kịp; không biết tu phước, tích đức lúc trẻ khỏe.

Giáo dục Trung Quốc thời cổ rất coi trọng vấn đề này. Thanh thiếu niên chú trọng giáo dục đạo đức, đó là bám chắc rễ trước khi tròn hai mươi. Từ hai mươi đến bốn mươi bèn phục vụ xã hội, tạo phước. Từ bốn mươi đến sáu mươi, bồi dưỡng người kế tục. Sáu mươi tuổi trở đi lui về hưu, hưởng phước! Như vậy là biết cách sống qua mùa Đông. Đấy chính là giáo dục tư tưởng, hoàn toàn khác với người Tây phương; người Tây phương điên đảo. Trong một đời người, lúc nào mới hưởng phước? Tuổi nhi đồng. Vì thế, mọi người tại ngoại quốc thường nói: “Tuổi nhi đồng là thiên đường. Tuổi trung niên là chiến trường, tuổi già là phần mộ”. Nói nghe sao bi ai quá đỗi! Không như tư tưởng Trung Quốc.

Tư tưởng, lý luận của Trung Quốc khác hẳn bọn họ. Tuổi thanh thiếu niên rất cay đắng thì mới phát phẫn, nỗ lực học tập, theo kịp bước tiến của xã hội, vì xã hội tạo phước. Tuổi già hưởng phước, tuổi già không phải là mồ chôn, tuổi già là hưởng phước. Trong tư tưởng của người ngoại quốc, phước báo hưởng hết trong mười mấy năm trẻ trung, phước báo cả đời đã hưởng xong, họ lại không biết tu phước, tuổi già sao không rất khổ?

(Trích: Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự toàn tập giảng ký, tập 78

Nhân Sinh

Nhân Sinh Vô Thường, Mỗi Người Tự Có Chỗ...

My Friends









My Countryside








LỜI THỀ CỎ MAY


Phạm Công Trứ

Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng tuổi ngọc tôi ngờ lời ai
Thủa ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín bông may
Aó tôi cúc đứt mực rây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra thành phố dần quên một thời
Về quê ăn tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi em hỏi hững hờ
Anh chưa lấy vợ còn chờ đợi ai?
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê
Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may.
Source: http://dayvahoc.blogspot.com/

Tình Thương

“Mọi người cần bắt đầu tư duy hướng nội để tìm thấy tình thương thay vì theo đuổi những đồng đô-la vạn năng”

Đừng nhốt nhau nữa, giấc chiêm bao!

Người ta nghe thấy tiếng Vương Bà cười, trong khi người con gái bật khóc.

Này con”, giọng bà cụ nhỏ yếu mà dịu dàng, chảy đều đặn theo những giọt sống cuối cùng, “Ta sẽ tặng con, một sự thật lớn lao của cuộc đời… Là nguồn cội của tất cả những bất công, thất vọng, và đau khổ... của ta, của con, của loài ngƣời... Con hãy mang nó bên mình, ngẫm ngợi… trong suốt thời gian để tang ta… Để xem… nó thật là… một món quà quý giá, hay lại là…một sự trừng phạt khắc nhẫn nữa..."
"
Này con gái, người ta…, không ai chiến đấu…, hi sinh… và chết vì ai... 
Mỗi người … chỉ chiến đấu…, hi sinh và chết… vì chính dục vọng của họ.

(Trích Giấc Mộng Hoa - CC)

Lời Tự Tại (TT)

經常少欲知足的人,才是無虞匱乏的富人。
Thường xuyên thiểu dục tri túc, mới là người giàu có không bao giờ thiếu thốn.
----------------------------------------
Câu tiếng Anh có nghĩa khác là :
"Đối với thanh thiếu niên: Cần quan tâm mà không nên lo lắng, phải dẫn dắt chứ không nên kìm kẹp, dùng cách bàn bạc chứ không phải dùng uy quyền."

Ông già mất dép

Tôi có quen một ông già, ông là bạn vong niên của tôi. Các con ông đều ở xa, một mình ông sáng chiều độc thoại. Buổi sáng ông lụm cụm chống gậy ra thăm khóm trúc già, săm soi mấy bông lài trắng muốt.
Các con ông biết cha già cô đơn, trồng cho ông vài bụi bông nhỏ. Vậy cũng đủ cho ông vui suốt ngày và mấy bụi bông trở thành đề tài để con ông gọi điện thoại về nói chuyện phiếm. Cũng may thời buổi văn minh, chỉ cần nhấc điện thoại lên thì mười nghìn cây số cũng gần như gang tấc.
wwwongia.jpg
Ở xứ Tây, cha con ôm nhau tỏ tình thương mến, mình da vàng thương cha đâu dám tỏ bày tình cảm như vậy. Có hôm buồn nẫu ruột, vậy mà gọi thăm cha phải đổi giọng vui như ngày mồng một Tết. Không dám nói thương cha, làm bộ hỏi bụi bông nào đang trổ. Câu chuyện cũng chỉ lẩn quẩn loanh quanh khóm trúc, buồng cau, cây sứ đại già, cành bông giấy tím. Vậy cũng đủ để người cha không quên giọng nói của đứa con xa, và người con lòng bùi ngùi nghe tiếng cha cười như thời tuổi nhỏ.
Sáng sáng, vẫn một mình, ông mở cửa ra trước nhà nhìn người qua lại, miễn thấy người thì lòng cũng đỡ cô đơn. Chiều chiều, trước màn hình xanh đỏ, tôi hỏi ông đang coi phim gì, ông trả lời coi mà có biết gì đâu, rồi ông cười hiền. Tuổi già nước mắt như sương, bao nhiêu năm quen ông, thế sự thăng trầm, ông mất nhà mất cửa, mất luôn một người con gái mà tôi chưa từng thấy giọt nước mắt nào của ông. Tôi nhớ như in hình ảnh ông ngồi bệt dưới đất ngoài sân bệnh viện hôm con ông mất, mặt hằn đau khổ, ông nói mà như khóc: “Phượng chết rồi con ơi”. Chỉ vậy thôi. Giọng nói khóc thay nước mắt. Những hạt lệ khô. Ông kín đáo đến nỗi niềm đau cũng giấu luôn trong lòng, làm sao biết để mà an ủi?
Ngày con ông về, tôi thấy gương mặt ông sáng hẳn và mắt ông có nét cười, là ông vui đó. Chỉ biểu hiện có vậy thôi.
Hay người cha nào cũng đều trầm lặng?
Một tháng trời con ông có mặt, sáng ông vẫn ra thăm bụi bông lài mộc mạc. Người con lại làm sang thêm mấy khóm đỗ quyên đài các, giới thiệu với ông đây là hoa xứ lạnh nơi con ở, người ta lấy giống về trồng. Con ông kể chuyện trên trời, dưới đất “xứ con”, ông thích thú nghe, sao chuyện tầm phào vậy mà ông vui, cười khoe hàm răng sún?
Hay người cha nào cũng đều đơn giản như ông?
Ông chưa bao giờ đòi hỏi con đưa ông qua “xứ con”, “nhà con” cho biết. Tôi cũng quên hỏi xem ông có ao ước đó không. Ngày thường ông nói với tôi già rồi chân hay đau nhức. Những lúc con ông về, khuya trở dậy ông mò mẫm trong bóng đêm đi ngang phòng con không cầm gậy, sợ tiếng lộp cộp đánh thức giấc ngủ say. Buổi sáng sum họp bên ly cà phê nóng, ông cũng không kể chuyện ông lo lắng canh chừng từng giấc ngủ của con. Người con cũng giấu cha mình hồi đêm nằm nghe từng bước chân cao chân thấp, lòng thổn thức bồi hồi.
Ông âm thầm, lặng lẽ như chiếc bóng.
Hay người cha nào cũng ít biểu hiện cảm xúc như ông?
Vậy mà hôm con ông đi, ông quýnh. Đang nằm trong phòng, nghe tiếng dưới nhà nhộn nhịp, sực nhớ giờ con đi, nhìn đồng hồ, ông hoảng kinh bật dậy, quên xỏ đôi dép, quên cả cây gậy chống đỡ tuổi già, quên là người con thế nào cũng phải trở lên thưa cha con “về nước”, ông chạy chân không chớp nhoáng đã hết mấy bậc thang mà ngày thường ông rị mọ.
Hay tình thương con nơi người cha nào cũng thắm thiết sâu xa?
Xưa, một người đọc kinh nghe nói Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, quyết đi tìm. Năm tháng trôi qua, sơn cùng thủy tận, vẫn không thấy Phật đâu. Nghe vị sư già nói thời mạt pháp, Phật thị hiện như một người thường, đồng sự mà hóa độ chúng sanh, cứ theo đường cũ trở về, gặp người nào chân phải mang dép trái, chân trái mang dép phải, đó là Phật. Tìm mãi vẫn không thấy ai mang dép ngược, người lãng tử buồn bã trở về nhà. Đêm khuya, gọi cửa, bà mẹ mừng rỡ chạy ra, chân phải mang dép trái, chân trái mang dép phải, chàng đã gặp Phật.
Tôi gọi ông là ông già mất dép. Nơi đất nước tôi đang ở đầy tuyết trắng này, làm sao tìm được một người già không dép? Còn ông già tôi quen đã không còn dép thì làm sao mang ngược được, vậy mà ông vẫn là một “ông Phật” của tôi. Tôi không cần hỏi tên ông già mất dép của tôi đâu, ông là ba tôi đó.
Thiếu Lan

SỐNG - CHẾT

*********
SỐNG
Sống tủi làm chi đứng chật trời?
Sống nhìn thế giới hổ chăng ai?
Sống làm nô lệ cho người khiến?
Sống chịu ngu si để chúng cười?
Sống tưởng công danh, không tưởng nước.
Sống lo phú quý chẳng lo đời,
Sống mà như thế đừng nên sống!
Sống tủi làm chi đứng chật trời?
CHẾT
Chết mà vì nước, chết vì dân,
Chết đấng nam nhi trả nợ trần.
Chết buổi Đông Chu, hồn thất quốc,
Chết như Tây Hán lúc tam phân.
Chết như Hưng Đạo, hồn thành thánh,
Chết tựa Trưng Vương, phách hóa thần.
Chết cụ Tây Hồ danh chẳng chết,
Chết mà vì nước, chết vì dân.
Cụ Phan Bội Châu

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo




Nghiên cứu cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều chúng ta dễ dàng bắt gặp là ở chỗ Người có nhiều mối quan hệ gắn bó với Phật giáo, không chỉ ở mặt tư tưởng, tình cảm mà cả chính bằng những việc làm cụ thể.

Trên bình diện tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều mặt gần gũi, gặp gỡ với giáo lý Phật giáo. Cốt tủy của Phật giáo là Từ bi hỷ xả, Vô ngã vị tha, Cứu khổ cứu nạn. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôn chỉ mục đích của đạo Phật nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”(1).
Thái tử Tất Đạt Đa cắt tóc xuất gia...
Mang khát vọng giải phóng nhân quần ra khỏi cảnh khổ đau, Thái tử Tất Đạt Đa đã rời bỏ cảnh sống vương giả, xuất gia tìm đạo: “Ta không muốn sống trong cung vàng điện ngọc, Ta không muốn sống trong cảnh vương giả trị vì thiên hạ, hưởng cuộc đời sung sướng cao sang trên mồ hôi nước mắt của lê dân. Ta không muốn sống trong xã hội bất công mà Ta đã chứng kiến. Ta quyết định ra đi, dù phải xông pha trên gió bụi lao lung, Ta cố tìm ra mối đạo giải thoát cho nhân loại muôn loài”(2).
Cùng với hạnh nguyện trên đây của Thái tử Tất Đạt Đa, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lớn lên trong cảnh nước mất nhà  tan, đã sớm nhận ra cảnh: 
Trên đời nghìn vạn điều cay đắng 
Cay đắng chi bằng mất tự do.
Điều đó thôi thúc Nguyễn Tất Thành bất chấp mọi gian khổ hiểm nguy, bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, cứu dân. “Tôi muốn đi ra nước ngòai xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”(3). Với ý chí và quyết tâm đó, nên ngay giữa thủ đô Paris, trong sự bủa vây của mật thám Pháp, Nguyễn Ái Quốc vẫn không hề nao núng về lý tưởng cứu nước, cứu dân của mình: “Tôi thích làm chính trị thì tôi chẳng sợ chết, cũng chẳng sợ tù đày. Trong đời này chúng ta chỉ chết có một lần, tại sao lại sợ?”(4).
Cách đây trên 2.500 năm, khát vọng công bằng xã hội đã được Đức Thế Tôn nêu lên như một quy luật xã hội, cô đọng lại trong lời dạy nổi tiếng, mang tính vượt thời gian: “Không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, không có đẳng cấp trong giọt nước mắt cùng mặn. Mỗi người khi mới sanh không phải có sẵn dấu tin-ca (tilca) trên trán, không đeo sẵn dây chuyền trong cổ”(5). Phật dạy các đệ tử: “Này các Tỳ kheo! Hãy tu hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người” (Tương Ưng Bộ kinh); “Này các Tỳ kheo! Xưa và nay Ta chỉ nói lên sự khổ và diệt khổ” (Trung Bộ kinh).
Với Hồ Chí Minh thì “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng… Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(6). Vì vậy đối với Người, “bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích là làm sao ích quốc lợi dân. Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn đau khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Phật giáo chủ trương: “Dĩ chúng tâm kỷ tâm”. Đối với Phật giáo, con người là cao hơn tất cả: “Nhân thị tối thắng”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân chúng công nông là gốc cách mệnh” (7) và “nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không có gì tốt đẹp vẻ vang bằng phục vụ lợi ích cho nhân dân”(8).
Trong Phật giáo, các vị Bồ tát xem nỗi đau khổ của chúng sinh là nỗi đau khổ của minh, bao giờ nỗi đau khổ của chúng sinh chưa dứt thì thề chưa thành Phật, ngài Địa Tạng Bồ tát thệ nguyện: 
"Chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề, 
Địa ngục vị không thệ bất thành Phật”. 
(Chúng sinh độ hết mới chứng đạo Bồ đề, 
Địa ngục nếu còn thề không thành Phật).
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “suốt đời, tôi chỉ có một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(9). Nhân bản Hồ Chí Minh nói theo cách nói của Phật giáo là sự “kết tinh bằng Từ bi, Trí tuệ, Dũng mãnh, hướng dẫn chúng sinh đạt tới mục đích Giác ngộ và Giải thoát, chuyển cõi Sa bà này thành cõi Tịnh độ,  và cuộc đời cơ cực này thành nếp sống Cực lạc”(10).
Nhận rõ những giá trị cao đẹp của Phật giáo, có sự gần gũi, gặp nhau với tư tưởng Phật giáo trên những nét lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng nhìn Phật giáo với một thái độ trân trọng: “Nền tảng và truyền thống của triết học Ấn Độ là lý tưởng hòa bình bác ái. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, tư tưởng của Phật giáo, nghệ thuật khoa học Ấn Độ đã lan khắp thế giới”(11). Năm 1958, khi sang thăm Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi rất sung sướng được thăm quê hương Đức Phật, quê hương của một trong những nền  văn minh lâu đời nhất thế giới”(12). Nhà thơ Huy Cận viết: “Khi bình sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn có một tấm long kính mộ sâu sắc và cảm động đối với Đức Phật Thích Ca - người sáng lập ra đạo Phật, cũng như đối với tất cả các vị sáng lập những tôn giáo lớn. Người đã cảm nhận ở các vị giáo chủ này trước hết là lòng thương cảm sâu sắc đối với số phận của những chúng sinh và ý muốn thiết tha làm sao giảm nhẹ hoặc xóa bỏ những nỗi đau khổ của con người trên trái đất”(13).
Trong hành động cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều gắn bó với Phật giáo. Theo nghị sĩ Thái Lan Si-pha-nôn Vi-shit Va-ra-ron, năm 1927, khi hoạt động ở Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng điện Phật to nhất của chùa Phô-thi-sôm tỉnh U-đon, Đông Bắc Thái Lan. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã vận động Việt kiều góp sức, góp của và đứng ra chủ trì việc xây dựng. Cũng thời gian này, chùa Lô-ka-nu-kho (Băng-cốc) là cơ sở hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, Người đã được Hòa thượng Thích Bình Lương hết lòng giúp đỡ.
Khi nước nhà được độc lập, nhà sư về nước. Lúc nhà sư lâm bệnh điều trị ở Bệnh viện Việt - Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm. Khi nhà sư viên tịch, Người đã gửi vòng hoa đến viếng với nội dung: “Kính viếng Hòa thượng Thích Bình Lương”, dòng chữ nhỏ dưới đề: “Đồng chí Hồ Chí Minh”. Giáo sư Trần Văn Giàu cũng cho biết thêm khi hoạt động cách mạng ở Thái Lan, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống rất giản dị và kham khổ như một nhà tu hành, có khi Người đã mặc áo cà sa của nhà sư.
Năm 1941, khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong điều kiện hết sức khó khăn giữa núi rừng Pắc Bó, Nguyễn Ái Quốc đã vẽ ảnh Phật treo trên vách đá để quần chúng có nơi chiêm ngưỡng vào những dịp lễ Tết.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, mặc dầu bề bộn với nhiều công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian đến thăm chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá. Nói chuyện với Tăng Ni, tín đồ Phật tử ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhà nước chúng tôi luôn luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Tôi mong các Hòa thượng, Tăng Ni và Phật tử hãy tích cực thực hiện tinh thần Tư bi, Vô ngã, Vị tha trong sự nghiệp cứu nước, giữ nước và giữ đạo để cùng toàn dân sống trong Độc lập, Tự do, Hạnh phúc"(14).  Đối với Người, làm được như vậy tức là “đã làm theo lòng Đại từ, Đại bi của Đức Phật Thích Ca”(15).
Trong thời gian từ năm 1954 đến lúc qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm nhiều chùa, nhiều cơ sở Phật giáo ở miền Bắc, tiếp xúc với nhiều Tăng Ni, Phật tử. Ngày 19-5-1960, trong lúc Hoà thượng Thích Thanh Chân, trụ trì chùa Hương, đang chuẩn bị vào Phủ Chủ tịch để chúc thọ Hồ Chủ tịch tròn 70 tuổi, thì 5 giờ sáng hôm đó, Người lại vào thăm chùa Hương. Tại đây, Người đã chỉ thị cho chính quyền địa phương phải sửa lại những con thuyền, bắc thêm cầu phao và làm thêm một con đường mới, để các Tăng Ni, Phật tử đi lại chiêm bái được dễ dàng và an toàn.
Khi ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Tăng Ni, Phật tử “hãy ra sức giúp đỡ cán bộ, hăng hái thực hiện mọi công tác của Chính phủ, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, ngăn chặn âm mưu của Mỹ - Diệm và bọn tay sai chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, hãy ra sức đấu tranh giành thống nhất đất nước”(16). Khi chính quyền Ngô Đình Diệm tiến đến chính sách tiêu diệt Phật giáo bằng việc ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo thế giới vào dịp Lễ Phật đản năm 1963, Tăng Ni, Phật tử miền Nam đã đứng dậy đấu tranh quyết liệt. 
Để phản đối chính sách bất công, gian ác của chính quyền Ngô Đình Diệm, ngày 11-6-1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn với hạnh nguyện: 
"Khói thơm cảnh tỉnh bao người ác, 
Tro trắng phẳng san hố bất bình”(17).
Trước sự hy sinh phi thường và dũng cảm của Hòa thượng Thích Quảng Đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức cảm động và Người đã có câu đối kính viếng Hòa thượng: 
"Vị pháp thiêu thân vạn cổ hùng huy thiên nhật nguyệt. 
  Lưu danh bất tử bách niên chính khí địa sơn hà”
(18).
Đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành “Kế hoạch nước lũ”, cho quân tấn công hầu hết các ngôi chùa dùng làm cơ sở đấu tranh trên khắp miền Nam. Tiếp theo, chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn phản đối Diệm đàn áp tôn giáo. Ngày 25-8-1963, nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết trước bùng binh chợ Bến Thành (Sài Gòn). Ngày 28-8-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời tuyên bố, nghiêm khắc lên án chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp dã man Tăng Ni, Phật tử và khủng bố, bắt bớ giáo sư, sinh viên, học sinh miền Nam: “Gần đây, ở miền Nam Việt Nam lại xảy ra thêm một tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và đau thương. Bọn Ngô Đình Diệm đốt phá chùa chiền, khủng bố sư sãi và đồng bào theo đạo Phật. Chúng đóng cửa các nhà trường, bắt bớ hàng loạt giáo sư và sinh viên, học sinh. Tội ác của chúng, nhân dân ta đều căm giận. Cả thế giới đều lên tiếng phản đối, nhân dân tiến bộ Mỹ cũng tỏ lòng bất bình… Trước tình hình ấy, đồng bào miền Nam ta đã đoàn kết nhất trí, không phân biệt sĩ nông công thương, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam tất yếu sẽ thắng lợi: “Dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền Nam được sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, nhất định giành được thắng lợi”; đồng thời bày tỏ sự cảm ơn đối với nhân dân thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh của Tăng Ni, tín đồ Phật tử miền Nam chống chế độ bạo quyền Ngô Đình Diệm: “Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi chân thành cảm ơn nhân dân và chính phủ các nước Phật giáo, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, cảm ơn nhân dân yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới, cảm ơn nhân dân và nhân sĩ tiến bộ nước Mỹ đã nghiêm khắc lên án Mỹ - Diệm và nhiệt tình ủng hộ nhân dân miền Nam”(19).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trong hai cuộc kháng chiến. Năm 1964, trong thư gửi Đại hội kỳ 3 Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam, Người viết: “Các vị Tăng Ni, tín đồ Phật giáo trước đây có công với kháng chiến, nay thì đang góp sức cùng toàn dân xây dựng miền Bắc giàu mạnh và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”. Hòa thượng Thích Đôn Hậu (chùa Linh Mụ, Huế), người thoát ly tham gia kháng chiến vào dịp quân và dân miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, rất có lý khi khẳng định rằng: “Sự hiểu biết của Người rất uyên bác, không những Người nắm chắc lịch sử yêu nước của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ, mà Người còn theo dõi rất cụ thể những hoạt động yêu nước của Phật giáo nước ta hiện nay”(20). Ông Srivalisnha, Chủ tịch Hội Truyền bá đạo Phật Mahabodi ở Ấn Độ phát biểu trong lần tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người sang thăm Ấn Độ (1958): “Chúng tôi kính cẩn và nhiệt liệt hoan nghênh ngài Chủ tịch đã từ bỏ những hào nhoáng lộng lẫy… Cũng như Hoàng đế Asoka, một Phật tử đầy lòng hy sinh, Chủ tịch đã nêu cao trước thế giới một lý tưởng mà chỉ có thể thực hiện bởi một người đầy lòng tin tưởng… Chủ tịch thật là một người kiêm cả công, nông, trí thức cách mạng với một lòng từ bi là đạo đức quý nhất của tín đồ Phật giáo. Các Phật tử Ấn Độ chúng tôi rất lấy làm tự hào mà xem Ngài là một con người của một nước đã có quan hệ mật thiết về văn hóa và tín ngưỡng hơn hai ngàn năm với Ấn Độ chúng tôi”(21). Và, thực tế là đã có một con đường mang tên Hồ Chí Minh ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ.
Những dòng tư liệu trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn và đầy đủ hơn về mối quan hệ gắn bó sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo trong quá trình hoạt động cách mạng của Người, cả trong nhận thức và trong hành động; nó giải thích rõ vì sao Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến đã đi theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn và đã có những đóng góp hết sức to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và ngày nay đang chung lưng đấu cật cùng với toàn dân bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
 Lê Cung 
PGS. TS.Khoa Lịch sử, 
Trường Đại học Sư phạm Huế.

(1) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Tập IV, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39. 
(2) Thích Diệu Niệm. Tư tưởng Hồ Chí Minh gần gũi với tư tưởng Phật giáo. Nội san Nghiên cứu Phật giáo số 1, Hà Nội, 1991, tr.33. 
(3) Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. NXB Văn Học, Hà Nội, 1970, tr.11. 
(4) Nguyễn Phan Quang. Thêm một số tư liệu về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp 1917-1923. NXB TP.HCM, 1995, tr.47. 
(5) Võ Đình Cường. Ánh đạo vàng. Phật học Viện Quốc tế xuất bản, USA, 1987, tr.92-93. 
(6) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập IV. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.1. 
(7) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập II. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.197. 
(8) Hồ Chí Minh. Phát huy tinh thần cầu học cầu tiến. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960, tr.62-63. 
(9) Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập IV. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr.100. 
(10) Thích Đức Nghiệp. Hồ Chủ tịch, một biểu trưng nhân bản Việt Nam, trong Đạo Phật Việt Nam. NXB TP.HCM, 1995, tr.318. 
(11) Hồ Chí Minh. Truyện và ký. NXB Văn Học, Hà Nội, 1985, tr.201. 
(12) Hồ Chí Minh. Sđd, tr.208 
(13) Cù Huy Cận. Hồ Chí Minh - nhà văn hóa lớn, một người hiền của thời đại chúng ta. Báo Nhân Dân ngày 1-9-1989. 
(14) Thích Đức Nghiệp, Sđd, tr.321-322. 
(15) Thư Hồ Chủ tịch gởi Hội Phật tử Việt Nam, ngày 30-8-1947. 
(16) Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Tập IV. NXB Sự Thật, Hà Nội, 1958, tr.39. 
(17) Kệ thiêu thân cúng dường Chánh pháp của Hòa thượng Thích Quảng Đức viết trước lúc tự thiêu. 
(18) Phạm Hoài Nam. Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc xả thân vì Đạo pháp và Tổ quốc. Báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 30-5-2005. 
(19) Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay. Báo Quân Đội Nhân Dân, ngày 29-8-1963, tr.1. 
(20) Bác Hồ trong lòng dân Huế. Thành ủy Huế, 1990, tr.35. 
(21) Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990, tr.30.